Giải đáp 23 vướng mắc về triển khai, thực hiện dự án đầu tư công

Công văn 5015/CV-TCT ngày 22/07/2022 Hướng dẫn nội dung về thực hiện dự án đầu tư công do Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư ban hành

1. Về cơ quan chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật  Đầu tư công “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm Giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư”.

Cơ quan chuyên môn ở đây có thể giao Sở Xây dựng hay các Sở, ngành trực tiếp cải tạo hoặc xây mới các trụ sở làm việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công được quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 06 năm 2019 là đơn vị có chức năng quản lý đầu tư công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị được giao quản lý đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công; Sở Kế hoạch và Đầu tư; phòng, ban có chức năng quản lý đầu tư công thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Do vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư như nêu ở trên.

2. Về các nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án

Theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư công, nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án là: (i) Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch đầu tư; (ii) Mục tiêu, quy mô, địa điểm và phạm vi đầu tư; (iii) Dự kiến tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án; (iv) Dự kiến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, dự kiến kế hoạch bố trí vốn phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả; (v) Xác định sơ bộ chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành; (vi) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế – xã hội; (vii) Phân chia các dự án thành phần (nếu có); (viii) Giải pháp tổ chức thực hiện.

Do đó, việc thẩm định dự án phức tạp, phải khẳng định nhiều nội dung như quy mô, tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án…. Vì vậy, đề nghị chỉ nên quy định nội dung thẩm định đơn giản chỉ là sự phù hợp với các quy hoạch về kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Đầu tư công Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về các nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, nhằm làm căn cứ để lập, trình, phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công. Chủ trương đầu tư có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự cần thiết, tính khả thi của dự án, góp phần hạn chế tình trạng phê duyệt dự án tràn lan, phê duyệt dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn, giảm tối đa tình trạng, thất thoát lãng phí đầu tư công trong thời gian qua. Từ đó nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, các dự án đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được lựa chọn phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, được phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, tính khả thi kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Do đó, nếu bước phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ xem xét phù hợp với quy hoạch mà không xem xét đến quy mô, tổng mức đầu tư, khả năng cân đối vốn, từ đó tính toán tiến độ, khả năng thực hiện của Dự án trong tương lai thì sẽ dẫn đến tính khả thi của dự án thấp, dẫn đến tình trạng phê duyệt dự án quá nhiều nhưng không có khả năng bố trí và làm giảm tính khả thi, hiệu quả, chất lượng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây cũng chính là yêu cầu, là quy định của Quốc hội khi xem xét, ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

3. Về việc quản lý thanh toán nhiệm vụ lập quy hoạch

Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch mới quy định định mức cho hoạt động quy hoạch (định mức cho hoạt động trực tiếp, hoạt động gián tiếp, hợp phần quy hoạch, xây dựng nội dung đề xuất đưa vào quy hoạch, hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, hoạt động điều chỉnh quy hoạch), chưa quy định về việc thanh toán các chi phí này.

Trả lời:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong đó đã hướng dẫn hồ sơ thanh toán nhiệm vụ quy hoạch.

4. Đề nghị xem xét việc kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang năm 2022 cho các dự án, trong đó có các dự án khởi công mới trong năm 2021; không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư trung hạn các dự án trong kế hoạch 2021 không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trả lời:

– Về kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang năm 2022 cho các dự án, trong đó có các dự án khởi công mới trong năm 2021

+ Tại Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2021 đã quy định “Đối với những nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Vì vậy, sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 vào tháng 7 năm 2021, đến ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 cho các dự án khởi công mới, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

+ Do thời gian thực hiện và giải ngân trong năm 2021 không nhiều, căn cứ quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/QH14 và Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang năm 2022. Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 2988/VPCP-KTTH ngày 13/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 3261/BKHĐT-TH ngày 19/5/2022 thông báo kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

– Về việc không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư trung hạn các dự án trong kế hoạch 2021 không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có các dự án không được kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 “Không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động bố trí lại trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và các năm sau tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2021, bị hủy dự toán cho các dự án bảo đảm bố trí đủ theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được giao để hoàn thành đúng tiến độ”.

5. Về đối tượng đầu tư công

Tại khoản 13 Điều 3, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của UBTVQH quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và khoản 13, Điều 3, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 có quy định “Hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng, chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ” là nội dung, đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, ngoài các quy định tại Điều 43 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (Hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đề nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết trong việc sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng, chính sách theo quyết định của cấp có thẩm quyền tại địa phương.

Trả lời:

Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã quy định đối tượng đầu tư công, trong đó tại Khoản 6 quy định hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy việc hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác quy định tại Khoản 6 Điều 5 chỉ áp dụng trên cơ sở nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không áp dụng đối với các đối tượng đầu tư công khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền tại địa phương. Việc hướng dẫn chi tiết trong việc sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng, chính sách theo quyết định của cấp có thẩm quyền tại địa phương là không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

6. Về quy định điều kiện chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm

Theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công, điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí kế hoạch vốn hằng năm là:

1. Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp.

2. Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, trong thực hiện do năm đầu tiên Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được thông qua nên khó khăn trong việc bố trí vốn, đề nghị bổ sung quy định tại Điều 53 nội dung: “Việc giao vốn đầu tư công năm thứ nhất của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm thứ nhất, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công năm thứ nhất. Kế hoạch đầu tư công năm thứ nhất sẽ được tổng hợp vào kế hoạch trung hạn giai đoạn sau và trình Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới”.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Đầu tư công “Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”. Như vậy, việc bố trí vốn trong năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn khi kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được thông qua đã được quy định đầy đủ trong Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

7. Về giao kế hoạch đối với nguồn thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất: Do việc bán, chuyển nhượng quyền tài sản trên đất thực hiện thường xuyên, liên tục trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện, phê duyệt ngay từ đầu kỳ, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn phức tạp, thiếu linh hoạt nên việc sử dụng nguồn này khi có khoản thu phát sinh rất khó khăn. Do đó, đề nghị hướng dẫn thực hiện đối với nguồn thu này.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 36, 37 Luật NSNN 2015, Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương và địa phương quản lý là nguồn thu NSNN. Việc thực hiện bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất phải được thực hiện trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công.

Đồng thời, Nghị định này quy định “Số tiền nộp NSNN được sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và ưu tiên bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển của NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan”.

Do đó, tại thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tính toán, báo cáo nguồn thu từ khoản này và đưa vào cân đối NSNN và dự kiến chi cho các nhiệm vụ chi đầu tư theo quy định từ nguồn bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất. Trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, trường hợp phát sinh nguồn thu và nhiệm vụ chi, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị bổ sung dự toán thu, chi ngân sách để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

8. Đề nghị cho phép điều chỉnh tăng giá nguyên nhiên vật liệu là một trong nội dung điều chỉnh dự án đầu tư

Trả lời

Việc xử lý đối với điều chỉnh giá nguyên nhiên vật liệu trong đầu tư công không chỉ được quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 mà còn được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng trong từng trường hợp cụ thể. Đối với quy định điều chỉnh dự án, Khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công quy định trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

b) Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;

d) Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khi đã hết thời gian thực hiện dự án;

đ) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế – xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;

e) Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

Như vậy quy định về căn cứ điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp do giá nguyên nhiên vật liệu đã được quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

9. Về việc báo cáo danh mục dự án sử dụng vốn NSTW hỗ trợ cho các địa phương

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương bao gồm cả vốn bổ sung từ ngân sách cấp trên. Do đó việc sắp xếp danh mục dự án sử dụng vốn NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thuộc thẩm quyền địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Trung ương yêu cầu phải đăng ký chi tiết danh mục từng dự án để trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Như vậy, việc phân quyền chưa đầy đủ, thẩm quyền quyết định dự án vẫn là Quốc hội.

Trả lời:

Điều 49 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đó tại Khoản 6 quy định một trong nội dung trong Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền là “Sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong trung hạn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm”.

Do đó, một trong những nội dung theo yêu cầu của Luật khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn là phải báo cáo toàn bộ danh mục dự án, dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo thứ tự ưu tiên để làm cơ sở cho Quốc hội quyết định Kế hoạch trung hạn. Đây là một trong những nội dung làm căn cứ để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, gồm các nội dung sau đây:

– Mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước của cả nước.

– Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách từng địa phương;

– Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương;

– Danh mục và mức vốn của các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia;

– Giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

10. Luật Xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung và các Nghị định đã được ban hành. Theo quy định tại Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, khái niệm Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và Báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng là khác nhau. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng chưa quy định nội dung lập, thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng (bao gồm các biểu mẫu trình thẩm định, thẩm định, phê duyệt), mà chỉ quy định nội dung lập, thẩm định, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư.

Trả lời:

Nội dung về lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 55 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung Điều 57 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, nội dung thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật gồm:

– Sự phù hợp về quy hoạch, mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu khác được xác định trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng;

– Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công về bảo đảm an toàn công trình và biện pháp bảo đảm an toàn công trình lân cận;

– Việc lập tổng mức đầu tư xây dựng, xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng;

– Giải pháp tổ chức thực hiện dự án, phương án giải phóng mặt bằng, hình thức thực hiện dự án;

– Sự phù hợp của phương án công nghệ (nếu có);

– Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và yêu cầu của người quyết định đầu tư.

11. Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Đầu tư công: Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại chưa được dự toán hoặc vượt dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đề nghị bỏ quy định này vì theo Luật NSNN ODA viện trợ không hoàn lại là nguồn thu của NSNN nên Bộ Tài chính sẽ ghi thu ghi chi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về thu chi NSNN hằng năm.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật NSNN 2015, toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, khoản 3 Điều 51 Luật NSNN quy định “Chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Theo quy định vốn ODA bao gồm vốn vay và viện trợ. Vì vậy, quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Đầu tư công hoàn toàn thống nhất với quy định tại Luật NSNN về các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại.

12. Đề nghị bổ sung sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn NSTW thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2021; cũng như các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư xây dựng công trình để thực hiện Chương trình.

Trả lời:

Tính đến tháng 6 năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương đã trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 65 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các CTMTQG để cụ thể hóa quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từng CTMTQG. Trong đó: (i) Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 01 Nghị quyết về phân bổ vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 và năm 2022[1]; (ii) Chính phủ ban hành 02 Nghị định của Chính phủ[2], 02 Nghị quyết về xây dựng phương án phân bổ, giao kế hoạch vốn NSTW thực hiện 03 CTMTQG; (iii) Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Quyết định về phê duyệt đầu tư, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và quy định tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương, quy định đối tượng hỗ trợ, giao kế hoạch vốn NSTW thực hiện các CTMTQG; (iv) Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành 02 Quyết định về Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiều văn bản đôn đốc tiến độ thực hiện; (v) cấp bộ đã ban hành 45 thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

13. Xem xét, cho phép đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư, trong trường hợp cần thiết có thể xem xét cho phép các nhà thầu, doanh nghiệp tự bỏ vốn để thi công công trình, sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hàng năm địa phương sẽ bố trí hoàn trả theo kế hoạch vốn được giao.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Đầu tư công, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Khi dự án đầu tư công đã được quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy định, được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ quan chủ quản có thể điều chuyển vốn từ dự án khác không có nhu cầu thực hiện hoặc không giải ngân được trong kế hoạch hằng năm để bổ sung vốn thực hiện hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ứng trước kế hoạch vốn năm sau cho dự án theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

14. Kế hoạch vốn giao hằng năm không đủ hạn mức theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn được phê duyệt dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, phát sinh thêm thủ tục phải xin ý kiến bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Xem xét, giao kế hoạch vốn theo dòng đời dự án, không giao vốn hằng năm.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Đồng thời, theo quy định tại Điều 61 và Điều 67 của Luật Đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao để phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch trung hạn đã được quyết định, đồng thời có quyền điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch hằng năm. Do đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có thẩm quyền bố trí và điều chỉnh kế hoạch vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng thời hạn quy định. Như vậy, các bộ, ngành và địa phương phải có trách nhiệm bố trí vốn cho dự án theo đúng thời hạn quy định nêu trên (đây chính là vòng đời dự án).

Bên cạnh đó, Điều 16 của Luật Đầu tư công quy định gây nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải thực hiện việc bố trí vốn đầu tư dự án theo đúng quy định, không được kéo dài thời gian bố trí vốn, làm tăng tổng mức đầu tư, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

15. Đầu tư chợ dân sinh có thuộc đối tượng đầu tư công không

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là lĩnh vực thương mại thuộc các hoạt động kinh tế, gồm chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong đó quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ (xây mới, cải tạo, nâng cấp các dự án chợ đầu mối, chợ dân sinh) từ nguồn vốn NSNN. Đề nghị các địa phương căn cứ quy định trên để thực hiện bố trí vốn theo đúng quy định của pháp luật.

16. Điều 55 Luật Đầu tư công Quy định mốc thời gian lập kế hoạch đầu tư công trung hạn quá chi tiết dẫn tới thiếu chủ động.

Trả lời:

Việc quy định mốc thời gian lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn là nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn chỉnh báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn để các cơ quan của Chính phủ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Đồng thời, theo quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công, các mốc thời gian có khoảng cách hợp lý, đủ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các công việc lập, thẩm định, báo cáo người đứng đầu, Hội đồng nhân dân cho ý kiến trước khi gửi các cơ quan tổng hợp.

17. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương tại các văn bản giao/hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương (thẩm quyền, trách nhiệm nhập đề xuất, phê duyệt điều chỉnh, kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Hệ thống Tabmis, gửi báo cáo …)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật Đầu tư công, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các dự án thuộc danh mục đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch;

b) Gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi đối với vốn ngân sách trung ương.

Đồng thời, trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được quy định tại Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP. Sau khi ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch, bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nhập điều chỉnh kế hoạch trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công) và Bộ Tài chính (nhập trên Hệ thống Tabmis) theo quy định.

18. Khi thẩm định chủ trương đầu tư cho các các dự án khởi công mới trong giai đoạn trung hạn, việc thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công phải căn cứ vào tổng số vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các Bộ, cơ quan trung ương để đảm bảo tính khả thi của dự án. Trên thực tế, thời gian từ khi ban hành văn bản thông báo của Thủ tướng Chính phủ về tổng số vốn đầu tư công trung hạn của các Bộ, cơ quan trung ương đến thời hạn gửi phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp thường quá ngắn (từ 02/4 đến trước 30/4).

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ báo cáo UBTV Quốc Hội và Quốc hội điều chỉnh thời gian giao số thông báo để các Bộ, cơ quan trung ương đủ thời gian thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư cho từng dự án và tổng hợp kế hoạch toàn ngành trong phạm vi tổng số vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông báo.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công, Trước ngày 31 tháng 7 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau với tổng mức vốn đầu tư công dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau.

Đồng thời, khoản 8 Điều 55 Luật Đầu tư công quy định: Từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 30 tháng 4 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Như vậy, theo quy định của Luật Đầu tư công, khoảng thời gian từ khi Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn (trước ngày 31/7 năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn) đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thẩm định (từ ngày 02 đến ngày 30/4 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư trung hạn) là 09 tháng nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có đủ thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2021-2025, việc thông báo vốn chậm là do nguyên nhân khách quan như thời điểm giao thời giữa Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và Luật số 39/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành năm 2020) và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc xác định nguồn thu và khả năng bố trí vốn NSNN cho đầu tư công trong 5 năm 2021-2025 gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian trước khi có thể thông báo cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây là khó khăn đặc thù riêng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

19. Về các thủ tục từ chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án: Theo quy định của Luật Đầu tư công bắt đầu từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư dự án (trong giai đoạn này gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư dự án), rồi dừng lại và chờ phân bổ vốn thực hiện dự án mới bắt đầu thực hiện các công việc tiếp theo. Do vậy, khi dự án chuyển giai đoạn từ phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án thì chủ đầu tư mới trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án, triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (đối với thiết kế 2, 3 bước), đồng thời triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công công trình; đối với những công việc này thì mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Đề nghị xem xét ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư thì các dự án có thể thực hiện các thủ tục như phê duyệt đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công, công tác đền bù giải phóng mặt bằng,…

Trả lời:

– Đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đây là nội dung liên quan đến nhiều Luật như xây dựng, đất đai, đầu tư công, cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm tiến độ dự án cũng như tránh thất thoát, lãng phí đất đai, tài nguyên và tạo được sự đồng thuận của người dân. Tại Luật Đầu tư công đã quy định việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại bước quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và một số cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính phủ đã có Tờ trình số 520/TTr-CP ngày 15/11/2021 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về Đề án và dự thảo Nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và một số cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngày 27/11/2021, Văn phòng Quốc hội có Thông báo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội (Thông báo số 2831/TB-VPQH) đề nghị Chính phủ: “Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng phạm vi, nội dung được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp. Việc thí điểm (nếu có) chỉ thực hiện đối với một số địa phương, dự án cụ thể và có thời gian, thời hạn cụ thể. Các chính sách liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.”

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp về nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

– Đối với việc phê duyệt thiết kế thi công, theo quy định tại Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình. Vì vậy, tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công là chưa có cơ sở thực hiện.

– Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án. Vì vậy, trước khi dự án được phê duyệt quyết định đầu tư có thể lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 34 quy định, việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn phải căn cứ vào các yếu tố: (i) Nguồn vốn cho dự án; (ii) Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi và (iii) Các văn bản pháp lý liên quan.

Do đó, nếu dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn thì có thể lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và do người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư.

20. Điều 55, Điều 56. Trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vướng mắc: Thực tế các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của TW không thực hiện theo đúng trình tự, nội dung, mốc thời gian quy định tại điều này nên rất khó cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện và giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này.

Trả lời:

Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 gặp một số vướng mắc khách quan như thời điểm giao thời giữa Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và Luật số 39/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành năm 2020) và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc xác định nguồn thu và khả năng bố trí vốn NSNN cho đầu tư công trong 5 năm 2021-2025 gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian trước khi có thể thông báo cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây là khó khăn đặc thù riêng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

21. Về thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn: Theo quy định của Luật Đầu tư công 2019 thì cơ quan trung ương không còn thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương. Tuy nhiên, tại khoản 8 Điều 55 của Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong khi đó, việc thẩm định được tiến hành nhiều lần, dẫn đến địa phương phải nhiều lần xin ý kiến thống nhất của HĐND tỉnh trước, để làm cơ sở hoàn chỉnh phương án trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trả lời:

Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong khi đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bảo đảm phương án phân bổ vốn do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN được cấp có thẩm quyền ban hành đối với từng giai đoạn, làm cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN trung hạn cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương… Đây là 02 nội dung với quy trình, thủ tục và mục đích khác nhau, phù hợp với chủ trương về phân cấp và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

22. Theo quy định tại Điều 55, các mốc thời gian lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn đều phải diễn ra ở năm thứ 5 kỳ kế hoạch trung hạn giai đoạn 5 năm giai đoạn trước. Trong đó, tại khoản 2, Điều 55 quy định “thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau”. Tuy nhiên, các mốc thời gian quy định nêu trên đều không đảm bảo và trên thực tế khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đến tháng 4/2021 mới có thông báo số dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, Luật không quy định cụ thể thời điểm phải phê duyệt chủ trương đầu tư dự án để đủ điều kiện bố trí kế hoạch trung hạn dẫn tới tình trạng bị động khi thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trả lời:

Đối với thời gian giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và thời gian dự án phải có chủ trương đầu tư: Theo quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công, trước ngày 31 tháng 7 năm thứ 4 của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau với tổng mức vốn đầu tư công dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước; thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau. Như vậy, ngay từ tháng 8 năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau để chuẩn bị lập chủ trương đầu tư dự án mới, dự kiến bố trí vốn cho các dự án giai đoạn sau. Khi trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, các dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phải bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định (đã có chủ trương đầu tư). Do đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có gần 2 năm để chuẩn bị dự án (Theo quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư công, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau vào kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Đầu tư công “Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội khóa trước, Chính phủ trình Quốc hội khóa mới tại kỳ họp thứ nhất các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn là: (i) Dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước; (ii) Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Do đó, thời điểm trình Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn là dự án phải có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến nay vẫn chưa có chủ trương đầu tư.

23. Cần xem xét và điều chỉnh điểm a, khoản 4, Điều 8 Thành phần hồ sơ pháp lý của dự án (gửi lần đầu khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước hoặc khi có phát sinh, điều chỉnh, bổ sung) Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.

Trả lời:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong đó đã quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán cho nhiệm vụ quy hoạch sử dụng vốn đầu tư công và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ các thành phần hồ sơ tại các khoản 4, 5, 6 và quy định về mẫu tờ khai điểm a khoản 12 Điều 9 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

Nguồn và tải: Công văn 5015/CV-TCT

Thank & Best Regards!


TRUNG TÂM ĐÀO TẠO & TƯ VẤN KIỂM TOÁN XÂY DỰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *